Về định hướng phát triển trong giai đoạn quy hoạch, tỉnh Nghệ An tập trung phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; hạn chế và giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Đối với ngành nông lâm thủy sản, chú trọng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hiệu quả tài nguyên; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Không gian phát triển
Vùng đồng bằng ven biển: phát triển sản xuất, chế biến thực phẩm sạch phục vụ thị trường tại chỗ và xuất khẩu; bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi lồng trên biển, nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ven bờ.
Vùng núi thấp: tập trung sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm nông sản như chè, bò sữa, bò thịt, lợn, gà; phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung; phát triển các hình thức nuôi kết hợp cá - lúa, thâm canh trong ao hồ nhỏ, nuôi bể các loài thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Vùng núi cao: ưu tiên phát triển nông sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; đẩy mạnh trồng mới các loại lâm sản có giá trị; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi lồng trên diện tích mặt nước các hồ đập lớn, các hồ thủy điện.
Phát triển kinh tế biển
Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển. Tăng cường liên kết các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển; tập trung nguồn lực để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm như: Phát triển công nghiệp ven biển; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics đa dạng, hiện đại; phát triển du lịch biển; khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; nghiên cứu phát triển một số ngành kinh tế biển mới phù hợp với vùng biển Nghệ An.
Phân bố không gian, bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển bền vững, tránh xung đột lợi ích trên cơ sở sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển và phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng; tăng cường liên kết vùng với các địa phương ven biển và hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 7 vùng, trong đó có “Vùng 2” là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, nằm trong khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Trọng tâm phát triển các ngành điện tử, công nghiệp, nhiệt điện, năng lượng tái tạo… và phát triển kinh tế biển (nhất là khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến); phát triển các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.
Ngọc Thúy - FICen